10+ câu hỏi phỏng vấn tester thường gặp & cách trả lời thuyết phục

cau-hoi-phong-van-tester
Ví dụ các câu hỏi phỏng vấn tester thường gặp

Software tester, hay tester, là những người phụ trách kiểm thử phần mềm. Xuyên suốt quá trình lên kế hoạch, thiết kế phần mềm, cho đến khi phần mềm được đưa vào sử dụng, nhiệm vụ ưu tiên của các tester là đảm bảo phần mềm vận hành mượt mà như kỳ vọng của khách hàng và không xảy ra bất kỳ lỗi (bugs) nào. Do vai trò quan trọng của vị trí này đối với quá trình phát triển phần mềm nên khi tìm kiếm ứng viên tiềm năng cho công ty, các câu hỏi phỏng vấn tester của nhà tuyển dụng sẽ tập trung rất nhiều vào phần kinh nghiệm và kỹ năng.

Vì vậy, để ứng tuyển thành công vị trí này, bạn cần chuẩn bị các câu hỏi phỏng vấn tester và đáp án nhà tuyển dụng muốn nghe nhất. 

Trong bài viết này, CakeResume cùng bạn “điểm danh” những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn tester và tham khảo kinh nghiệm phỏng vấn tester.

Những câu hỏi khởi động trong phỏng vấn tester

Nhà tuyển dụng thường sử dụng các câu hỏi giới thiệu khi phỏng vấn tester để tìm hiểu về hứng thú của bạn đối với vị trí tuyển dụng và lĩnh vực chuyên môn, nhất là trong buổi phỏng vấn fresher tester. Cách bạn trả lời các câu hỏi này cũng phần nào bộc lộ tính cách và giá trị nghề nghiệp bạn coi trọng. 

1. Giới thiệu bản thân khi phỏng vấn tester.

Kinh nghiệm phỏng vấn tester từ chuyên gia tuyển dụng là bạn nên tập trung vào những điểm nổi bật nhất cho thấy mình là người phù hợp. Bạn cũng nên lồng ghép mục tiêu nghề nghiệp vào phần giới thiệu về bản thân khi phỏng vấn và trình bày lý do bạn ứng tuyển vào vị trí này. Trong trường hợp có các ứng viên tương đương nhau về mặt kỹ năng và kinh nghiệm thì mục tiêu nghề nghiệp và lý do ứng tuyển sẽ có thể là yếu tố giúp công ty đưa ra quyết định cuối cùng. 

Ví dụ giới thiệu bản thân khi phỏng vấn tester:

Tôi là một software tester với hơn ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển phần mềm. Nhờ sự chủ động trong giao tiếp và áp dụng hiệu quả các kỹ năng cộng tác, hợp tác mà các dự án tôi từng tham gia đã đạt được các kết quả tích cực. Với mong muốn được cọ xát và phát triển hơn nữa năng lực quản lý của bản thân, tôi quyết tâm ứng tuyển vào vị trí này để có thể tiến tới mục tiêu tiếp theo trong sự nghiệp.

Đọc thêm: 10+ mẫu giới thiệu bản thân khi phỏng vấn “tán đổ" nhà tuyển dụng

2. Theo bạn, đâu là những kỹ năng quan trọng nhất của một tester?

Đây là câu hỏi phỏng vấn tester nhằm kiểm tra xem bạn có hiểu công ty đang tìm kiếm ứng viên như thế nào hay không. Để xuất sắc vượt qua câu hỏi phỏng vấn tester này, bạn nên đọc thật kỹ bản mô tả công việc của công ty và ghi nhớ các tiêu chí quan trọng được công ty đặt lên hàng đầu.

Kịch bản trả lời phỏng vấn:

Qua trải nghiệm của mình, tôi thấy rằng để hoàn thành xuất sắc vai trò này, một tester không chỉ cần có kiến thức và kỹ năng chuyên môn vững mà còn cần chủ động trang bị cho mình kỹ năng mềm khác nữa. Đối với tôi, đó là kỹ năng tự học. Làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin đòi hỏi tester liên tục học hỏi các công nghệ mới để nhanh chóng thích ứng với các thay đổi, xu hướng mới và ứng phó kịp thời nếu xuất hiện các vấn đề mới.

3. Chia sẻ về một dự án bạn từng tham gia với vai trò tương tự.

Đây cũng là câu thường được hỏi nhất trong bộ câu hỏi phỏng vấn tester. Bạn có thể lựa chọn bất kỳ dự án nào từng tham gia để chia sẻ với nhà tuyển dụng, nhưng một câu trả lời thu hút cần vận dụng tốt kỹ năng kể chuyện (Story telling).

Trong câu chuyện đó, bạn nên đề cập tới các ý sau:

  • Yêu cầu của công ty và khách hàng
  • Cách bạn lên kế hoạch và triển khai kế hoạch đó
  • Cách bạn giải quyết vấn đề nảy sinh trong quá trình làm việc
  • Thành tích, kết quả đạt được từ góc nhìn của khách hàng và công ty
  • Những điều bạn học được sau khi dự án kết thúc 

Vì hầu hết các cuộc phỏng vấn tester đều bắt đầu bằng các câu hỏi trên, hãy chuẩn bị câu trả lời thật tốt để gây ấn tượng trong mắt nhà tuyển dụng nhé!

Những câu hỏi phỏng vấn tester về chuyên môn

Sau các câu hỏi khởi động, khi thấy bầu không khí trở nên thoải mái hơn, nhà tuyển dụng sẽ bắt đầu ngay phần chính của buổi phỏng vấn: đánh giá chuyên môn và năng lực làm việc.

Dưới đây là 5 câu hỏi phỏng vấn tester giúp nhà tuyển dụng kiểm tra trình độ chuyên môn ứng viên.

1. Bạn sử dụng thành thạo những công cụ test phần mềm nào?

Hiểu và biết sử dụng các công cụ test phần mềm khác nhau sẽ giúp tester lựa chọn công cụ phù hợp nhất cho dự án. Đối với câu hỏi phỏng vấn tester này, bạn có thể liệt kê các công cụ test phần mềm đã sử dụng trước đây cũng như nên sử dụng công cụ đó trong trường hợp nào.

Kịch bản trả lời phỏng vấn:

Tôi đã từng sử dụng nhiều công cụ test phần mềm khác nhau trong quá trình làm việc của mình. Chẳng hạn như unit test, test hệ thống và test hiệu suất. Unit test giúp kiểm tra các phần riêng lẻ của ứng dụng. Trong khi đó, test hệ thống giúp kiểm tra xem toàn bộ ứng dụng có hoạt động như kỳ vọng hay không.

2. Nêu hiểu biết của bạn về quy trình kiểm thử phần mềm. 

Khi được hỏi câu hỏi phỏng vấn tester trên, trong câu trả lời của mình, bạn nên nhắc tới:

  • Các bước trong quy trình kiểm thử phần mềm
  • Các bước này nhằm mục tiêu gì 
  • Nhiệm vụ của tester trong từng bước
  • Trường hợp đặc biệt cần linh hoạt điều chỉnh quy trình để phù hợp với tình hình thực tế

3. Trường hợp nào không nên dùng test automation? 

Bạn có thể sử dụng kinh nghiệm thực tế của mình hoặc chia sẻ những điều bạn biết để trả lời, dù trong câu hỏi phỏng vấn tester nhà tuyển dụng nhắc tới bất kỳ công cụ nào. Với test automation, hãy chắc chắn rằng bạn cung cấp các thông tin sau:

  • Lợi ích của test automation
  • Các trường hợp nên dùng test automation
  • Các trường hợp phổ biến không nên dùng test automation, như:
    • Khi test thủ công vẫn có thể thực hiện được
    • Khi tester chưa thực sự hiểu về ứng dụng và mục đích của việc kiểm thử
    • Khi môi trường test không ổn định
    • Khi không có công cụ test phù hợp
    • Khi test automation tốn nhiều nguồn lực và không thực sự mang lại nhiều lợi ích

Khi chia sẻ ví dụ thực tế không sử dụng test automation, bạn có thể “nâng cấp” câu trả lời của mình bằng cách đưa ra phương pháp thay thế và hiệu quả hơn. Chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ vô cùng ấn tượng với câu trả lời bạn đưa ra đấy!

4. Giai đoạn nào thường xuất hiện lỗi khi phát triển phần mềm?

Chắc chắn đây là một trong những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn tester. Khi gặp phải câu hỏi này, bạn có thể tham khảo ví dụ sau:

Theo trải nghiệm cá nhân của tôi, trong quá trình phát triển phần mềm, nếu tester không thiết lập tốt môi trường kiểm thử thì sẽ rất khó để xác định các bugs tồn tại trong phần mềm, dẫn tới hậu quả là phần mềm bị lỗi. Do đó, bên cạnh thực hiện đúng quy trình kiểm thử phần mềm, tester cần đặc biệt lưu ý khi xây dựng code để phòng tránh trường hợp này xảy ra, gây thiệt hại lớn cho dự án.

5. Verification & Validation khác nhau như thế nào?

Trong bộ câu hỏi phỏng vấn tester luôn có chỗ dành cho phần lý thuyết và nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu bạn giải thích hoặc phân biệt các cặp thuật ngữ chuyên môn. Hãy bình tĩnh nhớ lại kiến thức và trả lời câu hỏi phỏng vấn tester lý thuyết tương tự câu hỏi trên bằng cách nêu khái niệm của từng thuật ngữ và sau đó chỉ ra các điểm khác nhau chính giữa chúng.

Đọc thêm: Các câu hỏi phỏng vấn thường gặp kèm kịch bản trả lời

Những câu hỏi phỏng vấn tester với tình huống cụ thể

Nhìn chung khi gặp các câu hỏi phỏng vấn tester theo hình thức tình huống, kỹ thuật STAR (Situation - Tình huống, Task - Nhiệm vụ, Action - Hành động, và Result - Kết quả) sẽ giúp câu trả lời của bạn có mạch logic chặt chẽ, làm rõ vấn đề và phương hướng giải quyết. 

Cùng thử áp dụng kỹ thuật này với 3 câu hỏi phỏng vấn tester dưới đây nhé:

1. Bạn sẽ làm gì nếu bất đồng quan điểm với developer?

“Trong quá trình làm việc nhóm, việc xảy ra bất đồng quan điểm là tình huống không thể tránh khỏi. Nhất là với hai vị trí tester và developer. Trong tình huống này, tôi cần xác định rõ đâu là lý do dẫn tới sự khác nhau trong ý kiến của đôi bên để từ đó chủ động trao đổi với developer với tâm thế cởi mở. Điều quan trọng là không để sự bất đồng quan điểm ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành dự án.”

2. Bạn sẽ làm gì khi dự án đã kiểm thử lại phát sinh lỗi?

“Đây là tình huống không hiếm gặp trong quá trình phát triển phần mềm, và theo kinh nghiệm của tôi, tester chỉ có thể giải quyết hiệu quả tình huống này khi giữ được sự bình tĩnh. Tôi sẽ cùng team review các bước đã triển khai trong quy trình test nói riêng và coding nói chung để xác định lỗi này nảy sinh từ giai đoạn nào. Sau đó, cả team sẽ cùng nhau đưa ra cách giải quyết hiệu quả và phù hợp nhất trong thời điểm đó.”

3. Bạn đã thực hiện đúng quy trình test và kết quả test đã ổn, nhưng khách hàng vẫn phàn nàn về chất lượng phần mềm.

“Đối với tôi, ngay cả trong tình huống khách hàng phàn nàn thì một tester chuyên nghiệp sẽ luôn duy trì thái độ tôn trọng khi giao tiếp với khách hàng. Nếu nhận được phàn nàn về chất lượng phần mềm, tôi sẽ trao đổi kỹ càng để xác định chi tiết nào khiến họ không hài lòng, đâu là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Từ đó đưa ra phương án giải quyết khả thi và không tổn hại tới bất kỳ bên nào.”

Tip “pass" phỏng vấn tester

Chuẩn bị kỹ cho buổi phỏng vấn tester là bước vô cùng quan trọng để có một màn thể hiện xuất sắc trong mắt nhà tuyển dụng và tạo ấn tượng mạnh ngay cả khi có những ứng viên khác với năng lực không kém cạnh. 

Một số kinh nghiệm phỏng vấn tester giúp bạn luôn sẵn sàng và tự tin:

  • Xem lại các dự án kiểm thử phần mềm trước đây và chọn khoảng 2 dự án cho thấy sự tiến bộ và trưởng thành của bạn trong lĩnh vực chuyên môn.
  • Tìm hiểu kỹ công ty ứng tuyển (qua JD hoặc website) để dự đoán các công cụ test được ưu tiên sử dụng trong công việc.
  • Review các bước trong quy trình kiểm thử phần mềm và nếu có thể hãy luyện tập viết test kiểm thử phần mềm trước buổi phỏng vấn.

Bên cạnh bộ câu hỏi phỏng vấn tester đặc thù, nhà tuyển dụng có thể áp dụng các “kỹ thuật” khác nhau để đánh giá ứng viên. Hãy tham khảo các bài viết về kỹ năng phỏng vấn trên CakeResume và trang bị bí kíp vượt ải phỏng vấn tester thuận lợi nhé!

Công cụ tạo CV miễn phí trên CakeResume cung cấp hơn 500 mẫu CV đa ngành nghề và các bài viết về tip làm CV hữu ích. Nhờ đó, bạn có thể tạo CV online dễ dàng mà vẫn vô cùng ấn tượng. Hãy thu hút nhà tuyển dụng và chinh phục công việc mơ ước với bản CV chuyên nghiệp ngay hôm nay!

--- Tác giả bài viết: Hoang Phuong ---

Resume Builder

Build your resume only in minutes!

Artikel untuk kamu

Artikel terbaru lainnya
Workplace
6 Mar 2024

Cách trả lời thư mời nhận việc chuyên nghiệp (kèm email mẫu)

Dù chấp nhận hay từ chối, việc viết email trả lời thư mời nhận việc sẽ giúp nhà tuyển dụng nắm được quyết định của bạn và kịp thời tiến hành các bước tiếp theo.